Sự kiện nổi bật

Mitsuba phát động phong trào: “Một tháng hành động vì môi trường từ những điều đơn giản nhất”

Thứ tư,11/12/2019
3235 Lượt xem

Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước,… những “cảnh báo” về môi trường sống đang dần chết đi có thật sự làm chúng ta lo sợ? Bạn đã nghĩ đến việc “hành động để bảo vệ môi trường” hay vẫn đang “bừa bãi vứt rác” theo thói quen? Bao lâu nữa chúng ta sẽ thay đổi và liệu sẽ cứu sống được nơi bạn đang sống không? Hãy cùng Mitsuba, hành động ngay hôm nay để bảo vệ lấy môi trường sống xung quanh bạn và hướng đến cuộc sống xanh!

Ngày nay, đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, con người đã và đang có những biện pháp tích cực khắc phục hậu quả đã gây ra và tránh những tác động xấu sẽ đến. Khắp nơi nơi đều đang kêu gọi và hướng đến “sống xanh sống trong lành”, và Trường Mầm non Mitsuba cũng vậy. Trong tháng 12 này, chúng tôi tiếp tục phát động phong trào “Hành động giản đơn để thay đổi cuộc sống của bạn”. Nhằm góp phần vào công cuộc “bảo vệ môi trường sống xung quanh, hướng đến cuộc sống xanh”, Trường Mầm non Mitsuba gửi đến quý bậc phụ huynh phong trào “một tháng hành động vì môi trường, thay đổi để bảo vệ môi trường từ những điều đơn giản nhất”. Đây là hoạt động nhằm thay đổi và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tất cả mọi người, chúng ta sẽ thay đổi dần từ những việc nhỏ và từ đó làm nên những cải thiện tốt hơn để cuộc sống thêm xanh, thêm trong lành hơn.

Mitsuba tin rằng việc thay đổi nhỏ này sẽ giúp chúng ta cảm thấy “thoải mái” và “dễ dàng” hơn khi chính bản thân của mỗi người tự ý thức được phải “sống xanh”, “sống sạch” và phải “hành động ngay” trước khi đã quá trễ. Hãy thử thay đổi từ những việc nhỏ nhất mà thường ngày chúng ta vẫn làm theo thói quen. Mitsuba gợi ý đến các quý bậc phụ hình một số ví dụ thực tế để cùng nhau thay đổi cuộc sống nhé!

01.  Đừng mang rác về nhà khi đi chợ hay mua sắm

Bố mẹ thử nghĩ xem, mỗi lần đi siêu thị hay đi chợ, chúng ta đã mang về nhà bao nhiêu “túi ni lông”? Có phải tại quầy cá, rau, thịt hay mua một thứ rau ngò rất nhỏ ta đều bảo người bán cho vào “túi ni lông” không nhỉ! Vậy tại sao chúng ta không mang một chiếc “giỏ xách” bằng nhựa hoặc giỏ đan bằng tre lát để đi chợ? Chúng ta sẽ bỏ tất cả những thứ chúng ta mua trong giỏ xách vừa rất gọn gàng lại không hề tốn thêm những “túi ni lông” nào cả. Hãy sắm cho gia đình nhỏ của bạn một chiếc giỏ xách ngay từ hôm nay nhé!

02. Sử dụng những đồ dùng được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường

Việc sử dụng các loại đồ dùng khó phân hủy là một trong những nguyên nhân làm tăng chỉ số về ô nhiễm môi trường hằng ngày. Tại sao, chúng ta không chung tay cứu lấy môi trường sống, bảo vệ trái đất của chúng ta bằng cách sử dụng những đồ dùng thân thiện với môi trường.

Những sản phẩm thân thiện với môi trường chính là những sản phẩm, vật dụng sinh hoạt hằng ngày như: ống hút tre, ly sợi rơm, ly giấy, bàn chải trẻ, bình inox, xà phòng – chất tẩy rửa từ thiên nhiên,... Những đồ dùng này có thể được sử dụng lại nhiều lần và được làm từ những chất liệu tái chế hoặc có thời gian phân hủy ngắn và các sản phẩm cũng có thể được làm ra từ chính những nguyên liệu thiên nhiên như: rơm, tre, gỗ, các loại nhựa tái chế,… là những sản phẩm rất thân thiện với môi trường.  Hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần hoặc dùng các chất tẩy rửa có thành phần hóa học là một trong những việc làm góp phần bảo vệ môi trường thiết thực nhất hiện nay.

03.  Tận dụng những đồ vật cũ, vật liệu tái chế để biến chúng thành những đồ vật mới

Đừng vội bỏ những bộ quần áo cũ, những chai nhựa, những hộp sữa,… Bạn hoàn toàn có thể “tái chế” chúng để trở thành những đồ vật hữu ích mới của gia đình. Hãy biến những bộ quần áo cũ thành những “chiếc túi vải”, khăn lau bàn, lau chén; hoặc hô biến những chai nhựa thành cốc đựng bút, chậu trồng cây,… và sử dụng những hộp sữa tạo thành túi đựng rác, thùng rác mini,… Chỉ cần bạn khéo léo một tí, sáng tạo một tí và chịu tìm kiếm trên mạng một tí bạn sẽ có hàng trăm ý tưởng để “tái sinh” những đồ vật cũ thành đồ vật mới, cực hữu ích trong gia đình.

Những ngày cuối tuần, bạn hãy thử cùng các con mày mò để tạo ra những đồ vật mới, đồ chơi mới, Mitsuba đảm bảo các bé sẽ rất thích thú với công việc này đấy!

04. Phân loại rác trước khi bạn đem bỏ vào thùng rác

Các loại rác không được phân loại cũng là nguồn nguy cơ gây mất an toàn cho chính những người thu gom rác, chưa nói tới tác hại lâu dài về môi trường do ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất nơi chôn lấp rác thải.

Mitsuba mách bố mẹ cách phân biệt các loại rác thải trước khi xử lý. Để phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả cần phải phân biệt các loại rác cho đúng.

  • Rác hữu cơ dễ phân hủy: là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng (rau, cá chết…), vỏ trái cây…
  • Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế.

Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, bìa các tông, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng, nhôm…), các loại nhựa (vỏ chai, đồ nhựa gia dụng)…. Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ. Hãy chắc chắn rằng bạn đã xử lý rác và phân loại rác đúng trước khi bạn đem bỏ vào thùng rác nhé!

Trên thực tế, hiện nay hầu hết chúng ta ai ai cũng đang “dần thay đổi” và nhận thức về việc cần phải “bảo vệ môi trường”. Qua phong trào “một tháng hành động vì môi trường, thay đổi để bảo vệ môi trường từ những điều đơn giản nhất”, Mitsuba hi vọng rằng sẽ giúp bố mẹ có thể tạo ra “làn sóng bảo vệ môi trường mạnh mẽ trong gia đình nhỏ” của mình. Và Bố mẹ hãy cùng Mitsuba lan tỏa, vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết và hành động vì môi trường. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp phần vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Cùng nhau thay đổi để có cuộc sống xanh, trong lành hơn nhé! 

 

Bình luận facebook