Trong quá trình nuôi dạy con, việc thấu hiểu cảm xúc của nhau luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với những bậc bố mẹ trong mối quan hệ đặc biệt này. Nuôi nấng và thấu hiểu con là cả một quá trình không ngừng và phải luôn được nhận thức rõ, đặc biệt cần phải hiểu đúng ở từng giai đoạn nhất định. Con cần ở bố mẹ nhiều hơn bố mẹ nghĩ rất nhiều. Chính vì thế, hiểu con là điều hữu hiệu nhất để cha mẹ nắm bắt được những khó khăn, từ đó giúp đỡ con vượt qua trở ngại trong mỗi giai đoạn phát triển. Cha mẹ hãy trở về cảm giác của một đứa trẻ để hiểu và làm bạn cùng con, giúp con biết được rằng gia đình là một môi trường an toàn nhất.
Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi nuôi dạy con khỏe mạnh và hạnh phúc. Trong hành trình con khôn lớn, sự đồng cảm, thấu hiểu của bố mẹ luôn là “sức mạnh vô cùng lớn” giúp những đứa trẻ của chúng tự tin vững bước. Cùng Mitsuba tham khảo “10 bí quyết” giúp bố mẹ thêm hiểu con, con thêm hiểu về tình yêu bao la mà bạn dành cho con từ một chia sẻ rất hay, rất ý nghĩa mà Mitsuba rất tâm đắc khi đọc được nhé!
1. BỐ MẸ TIN CON SẼ LÀM ĐƯỢC!
Tôi đã từng gặp không ít những ông bố dạy con bằng cách “khích tướng”: Mày mà làm được thì tao đi bằng đầu! Ôi, đó là điều tồi tệ nhất mà một đứa trẻ phải nghe thấy. Điều chúng cần không phải là thách đố mà là sự động viên, không phải sự mỉa mai mà là lời khích lệ. Trong cuộc sống của người lớn còn vấp phải thật nhiều những khó khắn, huống chi với đứa bé chỉ 2-3 tuổi, chắc chắn sẽ có những lúc con cảm thấy nao núng, lo sợ. Lần đầu tiên học bơi, lần đầu tiên đi xe đạp, bước chân trên cát lún, ngủ riêng trong phòng tối, hoặc đơn giản chỉ là tự mặc quần áo, tự chui vào gầm tủ lấy đồ chơi… Điều bố mẹ nên làm những lúc này, chỉ cần một ánh mắt trìu mến, một cái siết tay chặt và một lời động viên ngọt ngào: “Bố mẹ tin con sẽ làm được!”.
2. BỐ MẸ LUÔN BÊN CẠNH CON!
Cùng với lời động viên tin tưởng, hãy cho con thấy bạn sẽ luôn bên cạnh bé, một cách vô điều kiện, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Dù ngoại hình con thế nào, dù con nhút nhát hay còi cọc thiếu tự tin, dù cả thế giới quay lưng với con thì vẫn sẽ luôn còn có bố mẹ. Với một đứa bé 2 tuổi, để cho con hiểu điều này tưởng như đơn giản mà lại khó khăn hơn nhiều. “Bên cạnh con” không phải là bé ngã, mẹ vội vàng đỡ dậy chừa cái ghế; cũng chẳng phải con đánh bạn bị bạn cào lại là bố nhảy dựng lên bênh dù con thực sự sai. Hãy kiên nhẫn và chầm chậm với bé, cho bé thêm cơ hội, thêm thời gian, ngưng trách mắng chỉ vì những điều cỏn con mà bạn hoàn toàn có thể hóa giải theo một cách hoàn toàn khác. Đó chính là bên cạnh con.
3. BỐ MẸ TỰ HÀO VỀ CON!
Rất nhiều bố mẹ cũng luôn tự hào về con cái mình nhưng để nói với con điều đó dường như lại không nhiều người làm được. Nhiều người cho rằng, việc khen ngợi con vô tình làm con trở nên quá tự mãn, ngông nghênh. Trên thực tế, khen ngợi và biết cách khen ngợi chính là một cách để nâng cao lòng tự tin và tự ý thức được giá trị bản thân mình.
Tự hào về con có thể là một việc hết sức đơn giản như tự đi giày, tự mặc quần áo, tự xách ba lô vào lớp. Hoặc cũng có thể là việc thực sự đáng ngưỡng mộ với một đứa bé 2 tuổi như biết giữ cửa mở giúp một cụ già đang đi chậm đằng sau, biết chia sẻ đồ chơi của mình để dỗ dành một em bé đang khóc, biết tự nhặt rác xung quanh sân để bỏ vào thùng và đứng một lúc lâu để suy nghĩ xem sẽ phân loại rác như thế nào… Những lời chúng tôi nói tự hào về con đều xuất phát từ thực tâm mình, dù việc nhỏ hay việc lớn, chỉ cần tôi muốn con tiếp tục phát huy, nhất định tôi sẽ dành lời khen cho con.
Khi nhận được lời khen, tôi thấy con vui, con cười, cảm nhận được con đang hạnh phúc và lần sau con sẽ lại làm như vậy. Có thể nhận được lời khen từ bố mẹ nữa hay không đã không quan trọng. Quan trọng là con thấy mình được trưởng thành và hiểu cảm giác giúp đỡ người khác chính là hạnh phúc.
4. CẢM ƠN CON!
Nhiều bố mẹ luôn mang trong đầu suy nghĩ: Con cái có nhiệm vụ giúp đỡ bố mẹ/ Sinh con ra, nuôi con đến từng nấy chẳng phải là để sai vặt/nhờ vả hay sao? Vậy nên bố mẹ vô tình quên mất lời Cảm ơn. Hãy dạy con biết nói lời Cảm ơn từ khi con mới chỉ là một đứa trẻ. Hãy Cảm ơn khi sai con lấy giúp bạn cốc nước, Cảm ơn khi con giúp bạn dọn bàn, Cảm ơn khi con biết tự cởi giày và cất đúng chỗ… Cảm ơn vì tất cả những gì con đã bỏ công sức mình ra để tự làm và để giúp bạn. Đó chính là cách bạn dạy cho con biết trân trọng và biết ơn những gì mà người khác làm cho mình.
5. XIN LỖI CON!
Cùng với Cảm ơn, hãy học cách nói Xin lỗi bé. Bố mẹ gần như chẳng bao giờ nói Xin lỗi con phần vì ngại ngần, phần vì cho rằng người lớn không cần phải nói điều đó với một đứa trẻ. Nếu cứ giữ khư khư quan niệm đó, thì đừng thắc mắc tại sao một ngày nào đó con đánh bạn nhưng nhất quyết không xin lỗi hoặc con làm sai nhưng vẫn cúi mặt lầm lì câm lặng. Ai cũng có thể mắc lỗi, ai cũng có thể phạm sai lầm, vậy nên việc bố mẹ xin lỗi con chẳng có gì to tát. Từ xin lỗi sau này còn là từ khóa kì diệu để xoa dịu mọi vấn đề và sống thanh thản hạnh phúc hơn.
6. NGÀY HÔM NAY CỦA CON THẾ NÀO?
Đôi lúc, vì những vất vả lo toan cơm áo gạo tiền mà chúng ta vô tình quên đi cảm xúc, tâm trạng và suy nghĩ của con. Khi con bé, chúng ta nghĩ rằng chúng chỉ đủ ăn là được. Khi con lớn, chúng ta vẫn nghĩ chúng cần đến lớp là xong. Rồi chưa kể đến những rào cản cuộc sống mà chính bạn là người dựng nên: là những trận đòn, những cái tét, những lần mắng chửi thậm tệ. Những điều đó khiến con bạn khép mình, tự ti và không muốn được mở lòng.
Thi thoảng tôi vẫn tự ép mình phải học thuộc lòng những bài thơ, bài hát mà hôm nay chắc chắn ở lớp con sẽ được các cô dạy. Điều đó khiến tôi tự dưng có nhiều chuyện để nói, nhiều việc để làm hơn với con. Và bạn cũng sẽ không thể nào biết được niềm vui, sự hứng thú và ánh mắt rạng ngời của con như thế nào nếu không cho bé quyền được nói, được kể về một ngày của bé. Dĩ nhiên, con càng lớn thì sẽ càng có những câu chuyện phức tạp hơn như: cô giáo trách oan, cãi nhau với bạn thân… Hãy học cách lắng nghe, gợi ý hướng đi cho con, đừng vội phán xét hoặc trách móc, điều mà sẽ chỉ đẩy con càng ngày càng xa bố mẹ.
7. LỚN LÊN CON MUỐN LÀM NGHỀ GÌ?
Trẻ con lớn bằng trí tưởng tượng và đam mê. Và dù đó là công việc gì thì cũng là động lực để đưa con đến với những thành công trong tương lai. Nếu có một ngày con nói với bạn, lớn lên con muốn trở thành một bác nông dân lái công nông hay một chú tài xế lái xe chở rác, thì đừng vội nhíu mày phán xét con rằng “Con phải muốn làm bác sĩ, công an, luật sư chứ!”. Hãy mỉm cười và nuôi dưỡng ước mơ của bé. Hãy đưa con đi nhiều nơi, gặp nhiều người, để con hiểu thêm, yêu thêm về những công việc thầm lặng. Vì quan trọng hơn không phải con sẽ làm nghề gì mà là con sẽ trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai.
8. HÃY DÀNH THỜI GIAN ĐỌC SÁCH!
Tôi đã từng đọc được ở đâu đó rằng “những đứa trẻ lớn lên cùng sách sẽ không bao giờ trở thành người xấu”. Trẻ con không cần quá nhiều đồ chơi, nhưng nhất thiết phải cần thật nhiều sách. Nuôi dưỡng thói quen đọc sách và tình yêu với sách cũng nên được xây dựng ngay từ khi con mới chỉ là thai nhi trong bụng mẹ. Và luôn nhắc nhở con về việc dành thời gian đọc sách. Bên cạnh đó, con sẽ chỉ thực sự trân trọng sách khi chính bạn cũng mang thói quen này.
9. CON NGHĨ THẾ NÀO?
Hãy luôn hỏi ý kiến con, cho phép chúng được quyền lên tiếng với những quyết định có liên quan đến con. Bên cạnh việc xây dựng sự tự tin cho bé, bạn còn đang giúp con học kỹ năng đưa ra quyết định và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đừng vội vàng bắt ép con làm theo ý định của mình nếu bạn không muốn con lớn lên trở thành một người ba phải, không hề có chính kiến.
10. BỐ MẸ YÊU CON!
Tôi không nhớ mình đã từng được nghe câu nói này từ bố mẹ khi còn là một đứa trẻ bao giờ chưa. Nhưng tôi quyết tâm mình phải nói ba từ Mẹ yêu con mỗi ngày cho đứa con bé bỏng của mình. Như một cách thể hiện tình yêu thực sự và lan tỏa chúng vào trái tim của con. Bố mẹ nào cũng luôn yêu con nhưng không phải ai cũng biết thể hiện và nói ra được 3 tiếng đó. Đừng ngần ngại bày tỏ tình cảm của bạn với con bằng lời nói và không có điều gì có thể khiến tấm lòng đứa trẻ ấm áp hơn bằng lời mẹ yêu con.