Sẽ không quá lời khi nói rằng “trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ con thật sự rất đáng kinh ngạc và luôn tạo bất ngờ cho người lớn”. Trong thế giới của các bạn nhỏ luôn chất chứa những câu chuyện cực kỳ thú vị, chỉ đợi chúng ta gợi mở là các bạn ấy có thể luyên thuyên kể về thế giới quan đầy sống động, phong phú, đa sắc màu,...
Có bao giờ ba mẹ đã ngồi lại để lắng nghe bé con kể về thế giới con nhìn thấy, những sự vật sự việc đã gặp trong ngày hay cảm nhận của con về khu vui chơi, về bài hát, về tập truyện vừa được nghe?... Mitsuba tin rằng đã không ít lần người lớn chúng ta đều vỡ oà đến vô cùng ngạc nhiên từ những câu chuyện của trí tưởng tượng, của sự sáng tạo có trong các con. Khi Mitsuba viết về điều này, là bởi lẽ Mitsuba vừa tự mình trải qua những giây phút thưởng thức say mê những bức tranh vẽ từ các mầm nhỏ. Mà suýt chút nữa Mitsuba đã bỏ lỡ cơ hội được chia sẻ với cả nhà.
Giữa những ngày tháng bận rộn cho hội thao tháng 3, các mầm nhỏ Mitsuba đã có dịp ghé thăm Núi Ngũ Hành Sơn. Trong hành trình tham quan, khám phá địa danh nổi tiếng này, có lẽ đã để lại trong các mầm nhỏ những ấn tượng khó quên. Sau chuyến đi đó, trong giờ học vẽ Mitsuba lựa chọn cho các mầm nhỏ vẽ lại chuyến tham quan Núi Ngũ Hành Sơn theo cảm nhận của các con. Và như cả nhà biết đấy, những bức tranh Mitsuba nhận được và đang để dưới bài viết này là từ kết quả của sự ghi nhớ, sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các mầm nhỏ. Và hơn nữa, Mitsuba như cảm nhận được rằng khi đưa các con đi đến những điểm tham quan dã ngoại, thiên nhiên luôn tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khơi gợi sự tò mò và hấp dẫn với các con.
Với Mitsuba, trong thế giới của các mầm nhỏ không có khái niệm của “vẽ bậy vẽ bạ”, mà theo từng độ tuổi, con đang dùng những nét vẽ tuy không hoàn hảo đó như là một cách để giao tiếp, để giải bày thế giới xung quanh mà trẻ cảm nhận được để kể với chúng ta. Trong cuốn sách “Đọc vị trẻ qua nét vẽ” của tác giả Akiyoshi Torii có viết: “Tranh vẽ của người lớn là để thưởng thức trong im lặng. Ngược lại, tranh của trẻ ở độ tuổi mẫu giáo là tranh nhìn vào để hỏi hơn là chỉ để ngắm”. Bởi vì khi hỏi, chúng ta mới hiểu được hết nội dung và ý đồ của bức tranh.
Mitsuba hy vọng rằng những chia sẻ của bài viết này sẽ giúp cho chúng ta có thêm những thấu hiểu trong quá trình nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sự sáng tạo các mầm nhỏ. Mitsuba xin gợi ý với bố mẹ một số hoạt động mà cả nhà có thể áp dụng để khơi gợi, giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo đó chính là: trò chơi đóng vai, đọc sách, múa hát, chơi nhạc cụ, đưa con đến nơi kết nối với thiên nhiên như các điểm vui chơi, ngắm cảnh ở biển, sông, núi,... Không ngừng hỏi con những câu hỏi gợi mở để có thể bước vào thế giới của con.